Nút thắt ngành nông nghiệp và những khuyến nghị chính sách

Diễn đàn Đầu tư Nông nghiệp thời TPP ngày 21/11

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp, Tổng hội nông nghiệp, các chuyên gia và Doanh nghiệp tham dự Diễn đàn kinh doanh “Đầu tư nông Nghiệp thời TPP” đã chỉ ra những cơ hội, thách thức lớn, đồng thời đưa ra các kiến nghị chính sách cho ngành nông nghiệp trước cửa hội nhập.

Diễn đàn Đầu tư Nông nghiệp thời TPP ngày 21/11
Diễn đàn Đầu tư Nông nghiệp thời TPP ngày 21/11

Ngày 21/11/2015, tại Tp. Hồ Chí Minh, Kênh Thông tin Tài chính Kinh tế CafeF cùng với Tổng hội Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn VN, dưới sự tài trợ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn TH, Công ty CP Hùng Vương và Tập đoàn Vingroup đã tổ chức Diễn đàn Kinh doanh với chủ đề “Đầu tư Nông nghiệp thời TPP”.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp, các chuyên gia đầu ngành và đại diện của gần 400 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tổng kết Diễn đàn, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã chỉ ra những cơ hội và thách thức lớn, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách cho ngành nông nghiệp.

Mở đầu bằng sự phát triển của ngànhnông nghiệp Việt Nam trong 70 năm, ông Hùng cho biết từ nền nông nghiệp lạc hậu, manh mún, ngành đã chuyển sang nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, có nhiều sản phẩm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Chính phủ và địa phương cũng đã có nhiều chính sách cởi mở hơn, quan tâm nhiều hơn tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào nông nghiệp và nâng dần vị thế DN trong đời sống kinh tế nông nghiệp.

“Nút thắt” ngành nông nghiệp

Tuy nhiên, tổng kết các ý kiến phân tích tại Diễn đàn, vẫn còn có những câu hỏi lớn đặt ra với nông nghiệp:

Một là, vì sao trong 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng phát triển nông nghiệp, song đến nay phát triển nông nghiệp vẫn thiếu bền vững, thu nhập của người nông dân thấp, năng suất chưa cao và chất lượng kém?

Thực tế, chỉ có hơn 60% nguồn lực xã hội dành cho nông nghiệp và chỉ chưa đầy 1% DN đầu tư vào nông nghiệp. Có hơn 80% nông dân có diện tích dưới 1ha và trên 4 thửa/1 hộ; số doanh nghiệp vốn hóa trên thị trường chứng khoán mới chỉ có 3% trên thị trường là quá thấp so với tiềm năng.

Hai là, rào cản lớn nhất hiện nay của ngành nông nghiệp để trở thành ngành sản xuất lớn là đất đai vẫn chưa tháo gỡ được.

Ba là, đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều rủi ro, nhất là khi phải đầu tư lớn, không chỉ do yếu tố thời tiết, thị trường, dịch bệnh song chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp quá yếu, nhất là hệ thống bảo hiểm, vốn và lãi vay.

Bốn là, quản lý nhà nước về vốn và thị trường còn yếu kém, trong nhiều năm chưa được khắc phục. Nhất là quản lý về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu trốn thuế, kể cả đầu vào và đầu ra.

Điều này tạo sự cạnh tranh không lành mạnh và đe dọa sự tồn tại và phát triển của DN, những nhà sản xuất chân chính và đe dọa đến sự phát triển, cuộc sống của người Việt Nam.

Năm là, vì sao nhiều chính sách của Chính phủ không đi vào cuộc sống, hiệu quả thấp và thiếu sức hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Thậm chí không ít chính sách vừa ban hành đã phải sửa, hàng ngàn thủ tục hành chính không cần thiết cũng tạo nên rào cản, làm tăng chi phí cho DN cả thời gian và tiền bạc

Sáu là, vấn đề còn tồn tại lâu nay là trùng thuế và phí chưa được xóa bỏ.

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam

Cơ hội và thách thức đầu tư vào nông nghiệp

Đặt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng, đặc biệt khi vừa đàm phán xong TPP, ông Hùng tổng kết lại sáu cơ hội và thách thức lớn cho ngành nông nghiệp mà các chuyên gia, doanh nghiệp đã chỉ ra.

Về cơ hội: Điều thứ nhất mà DN có được là tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thị trường xuất nhập khẩu và các thị trường lớn thế giới có nhiều ưu đãi như Mỹ và Australia.

Thứ hai, TPP cũng tạo ra áp lực cho DN trong nước trong quá trình lựa chọn đầu tư và chuyển hướng sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, TPP cũng tăng cường chất lượng vốn và khoa học công nghệ trong quá trình đầu tư trực tiếp và liên doanh.

Thứ tư, tăng cơ hội việc làm cho người lao động và có điều kiện nâng cao thu nhập.

Thứ năm, có điều kiện nâng cao tay nghề của người lao động

Thứ sáu, tạo thêm động lực phát triển ngành mới, tạo động lực hoàn thiện cơ chế chính sách và minh bạch.

Tuy nhiên, cũng sẽ có những thách thức đặt ra với ngành nông nghiệp:

Thứ nhất, năng lực cạnh tranh hiện nay của DN Việt Nam quá yếu, các hộ nông dân vô cùng bối rối trước TPP. Trong đó, những vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và xuất xứ sản phẩm là khâu yếu nhất hiện nay.

Thứ hai, thiếu và yếu thông tin nghiên cứu và phân tích thị trường, nhất là khâu dự báo sản lượng trong và nước ngoài.

Thứ ba, thiếu vốn và công nghệ tiên tiến, nhất là trong lĩnh vực thích ứng trước biến đổi khí hậu và kiểm soát dịch bệnh hiện nay.

Thứ tư, trình độ lao động còn quá thấp trước yếu cầu đổi mới.

Thứ năm, hạn chế trong ứng dụng công cụ hữu ích trong thương mại quốc tế nhằm tái lập công bằng thương mại để giải quyết tranh chấp quốc tế.

Thứ sáu, môi trường chính sách chưa hoàn thiện, tổ chức thực thi giám sát chính sách yếu.

Từ những cơ hội và thách thức trên, Diễn đàn đặt ra các vấn đề:

Trước hết, DN trong nước phải tự mình vươn lên và khuyến khích cạnh tranh với chính mình để tồn tại và phát triển. Từ việc nâng cao trình độ cho người lao động, nâng cao kỹ năng quản trị cho lãnh đạo DN…

Các DN Việt Nam đã thiết lập hệ thống dự báo thị trường, hệ thống pháp lý phù hợp với TPP và chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh, thị trường để cùng xây dựng mối liên kết các DN thông qua xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, cùng nhau đứng vững trên sân nhà và nắm tay nhau trên thị trường thế giới, không nói xấu hay chèn ép nhau.

Cần “cú hích” chính sách cho nông nghiệp

Theo đó, các kiến nghị chính sách từ Diễn đàn cũng được đưa ra, cụ thể:

Thứ nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn quy trình sản xuất cho sản phẩm nông nghiệp, từng sản phẩm nông nghiệp phù hợp TPP để các DN sớm có giải pháp thích ứng. Theo đó, có cơ chế quản lý giám sát thực thi tiêu chuẩn sản xuất và chất lượng để đảm bảo tính minh bạch.

Thứ hai, cần có cơ quan đầu mối cung cấp thông tin chính thức, kịp thời và chính xác về dự báo thị trường để người dân và DN sử dụng miễn phí; hoặc DN cần có nhu cầu mua thông tin.

Thứ ba, Bộ NN&PTNT và Bộ Giao thông Vận tải xây dựng quy hoạch và kế hoạch triển khai hệ thống giao thông phục vụ vùng sản xuất hàng hóa lớn, chế biến sản phẩm quy mô lớn nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thứ tư, Bộ NN&PTNT chủ động cùng Bộ Công Thương xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể cho chuỗi sản phẩm chế biến, sản xuất và tiêu thụ, xác định được trọng tâm và trọng điểm hàng hóa thị trường để DN chủ động xây dựng kế hoạch và phù hợp với kế hoạch chung.

Thứ năm, đề nghị Bộ NN&PTNT chủ động rà soát nội dung, sửa đổi thủ tục hành chính giảm khó khăn và phiền hà cho dân và DN nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi hiện nay.

Thứ sáu, đề nghị với Chính phủ đẩy mạnh công tác tuyên truyền với hai nhóm chính:

Một là, tuyên truyền để người dân nâng cao trách nhiệm trong sản xuất, không vì lợi nhuận mà vì sự bền vững và phát triển lâu dài, vì sức khỏe và tồn vong của dân tộc mình. Ngoài ra, tuyên truyền đúng cơ hội và thách thức trong TPP.

Hai là, sớm công bố bằng tiếng Việt bản nội dung Hiệp định, đưa ra các yêu cầu DN và người dân cần làm gì để thích ứng và phát triển trong hội nhập.

Thứ bảy, từng bước hoàn thiện chính sách và môi trường đầu tư, đặc biệt là chính sách tháo gỡ khó khăn, khuyến khích cho người dân và DN mạnh dạn đầu tư và yên tâm đầu tư vào nông nghiệp, cụ thể:

Một là chính sách đất đai, cần phải tạo ra cơ chế mới cho phép tích tụ ruộng đất cao không chỉ tích tụ tập trung và còn tạo môi trường tốt để người nông dân làm thuê trên mảnh đất của mình.

Hai là, chính sách bảo hiểm để xử lý rủi ro cho người dân và DN, những người dám bỏ tiền lớn khi đầu tư vào nông nghiệp.

Ba là, chính sách thuế và phí, tránh đánh thuế nhiều lần, đối với DN ưu đãi lớn nhất là miễn và giảm thuế.

Bốn là, khuyến khích DN và người dân mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, theo hướng khuyến khích tạo ra nhiều DN, không chỉ DN lớn mà cả DN nhỏ và vừa.

Năm là, Chính phủ cần xây dựng chiến lược và đào tạo nguồn nhân lực, từ lao động phổ thông đến nhân lực chất lượng cao cho hộ dân, trang trại và DN, tạo điều kiện cho DN lớn tự đào tạo lao động phù hợp.

Sáu là, hỗ trợ DN xây dựng và thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường…

An Ngọc – Theo Trí thức trẻ