Doanh nghiệp đang có 2 khó khăn khi đầu tư nông nghiệp

Đầu tư vào nông nghiệp mà chỉ làm việc với hộ nông dân nhỏ lẻ thì không bao giờ doanh nghiệp làm được. Đó là khẳng định của ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phiên bàn tròn về giải đáp chính sách đối với sự phát triển của doanh nghiệp nông nghiệp trong hội nhập, những nhà quản lý chính sáchgồm ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại và ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Đại diện doanh nghiệp: Tôi đầu tư vào rau sạch, nhưng bức xúc vì thuốc nhiều quá. Nói rằng có cơ chế chính sách giúp dân đổi mới, quan điểm tôi thấy chưa hiệu quả. Chúng ta bảo dân đổi mới đi, song đổi mới bằng phương pháp nào.

Thứ hai là doanh nghiệp làm rau thì tốt, nhưng nông dân thì sao? Hiện chúng tôi đang chuẩn bị tìm phương án canh tách chuyển giao cho dân để làm gia công cho công ty, song gặp khó khăn trong đào tạo nông dân, doanh nghiệp phải tự bỏ tiền túi, vậy có chính sách hỗ trợ gì không?

Ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Đây là vấn đề không chỉ của doanh nghiệp mà là của Nhà nước, trong việc tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất. Bởi nếu đầu tư vào nông nghiệp với từng hộ nông dân nhỏ lẻ thì không bao giờ doanh nghiệp làm được. Đấy là lý do vì sao không thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp trong thời gian qua.

Trăn trở của doanh nghiệp với đào tạo và liên kết với nông dâ là đúng. Điều quan trọng cơ quan Nhà nước và địa phương tổ chức lại các hộ nông dân này, giúp doanh nghiệp ký hợp đồng với 1 người thay vì ký với từng hộ nông dân. Đây là vấn đề rất nan giải và khó khăn nhất hiện nay. Đây là cái tồn tại của chúng ta, và chúng ta phải làm.

Thứ hai, đại biểu có nói chuyện kinh phí thay vì thông qua tập huấn của khuyến nông, chuyển cho doanh nghiệp sẽ thiết thực hơn, tôi cho là đề xuất rất chính xác. Tuy nhiên, quy định của chi tiêu ngân sách, cần có sự nghiên cứu và đổi mới trong thời gian tới. Thay mặt bộ tôi ghi nhận ý kiến này. Khi đổi mới theo hướng ai làm tốt hơn giao cho người đó.

Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Phạm Quang Minh – CTCP Mía đường Cần Thơ nêu lên một vấn đề: Những nội tại của doanh nghiệp thì có thể đầu tư đổi mới. Nhưng về phía Nhà nước chúng tôi lúng túng, chưa thấy các điểm rõ ràng. Tôi có cảm nhận chúng ta bỏ rơi nông dân vì nông dân vẫn canh tác trên mảnh đất nhỏ lẻ của mình, trong khi doanh nghiệp không biết làm sao để cơ giới hóa. Ở đây, phải có hỗ trợ của Nhà nước về việc dồn điền đổi thửa, doanh nghiệp mới tăng quy mô và năng suất được. Mặc dù năng suất mía đường có thể nâng 200 tấn/ha nhưng cơ giới hóa không được, quy mô quá manh mún.

Đối với sản phẩm nông nghiệp, để doanh nghiệp có tiềm lực để chuẩn bị nguồn vốn đầu tư, thuế đối với doanh nghiệp có thể giảm? Hoặc giảm trong giai đoạn nào đó để doanh nghiệp tích lũy được lợi nhuận để đầu tư phát triển tiếp?

Ông Trương Đình Tuyển trả lời: Trong phát triển nông nghiệp, cần định vị cho đúng vai trò của nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Doanh nghiệp phải tham gia vào tất cả các chuỗi vừa sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Nhưng doanh nghiệp đang có 2 khó khăn khi đầu tư vào nông nghiệp.

1-Hạn chế về đất đai.

2-Đầu tư trong nông nghiệp có rủi ro lớn, bởi phụ thuộc vào thời tiết và sâu bệnh. Trong khi đó, chính sách bảo hiểm với nông nghiệp chưa hình thành đầy đủ.

Tôi đã đề xuất việc cho phép lập công ty chuyên bảo hiểm cho nông nghiệp và được miễn hoàn toàn thuế. Thủ tướng Chính phủ đã nói với tôi sẽ dành những ưu tiên cao nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đồng thời cho phép lập các công ty chuyên bảo hiểm cho ngành nông nghiệp và không thu thuế…
Ông Trương Đình Tuyển trao đổi tại diễn đàn

Ông Trương Đình Tuyển trao đổi tại diễn đàn

Đại diện doanh nghiệp: Vấn đề chất lượng và nông nghiệp sạch bền vững đúng nghĩa là vấn đề nóng. Vậy các nhà chính sách làm gì để giải quyết câu chuyện này?

Thứ hai là câu chuyện được mùa rớt giá, được giá mất mùa, cho thấy chúng ta không đoàn kết và dẫm chân nhau, không đồng bộ trong thu mua, do tình trạng doanh nghiệp tự phát trong thu gom. Đặt rat a có chế tài và quản lý nào đó từ nhà quản lý để thoát khỏi tình trạng này?

Ông Vũ Văn Tám – Bộ NN&PTNT: Đối với vấn đề phân vi sinh chúng tôi sẽ tiếp thu.

Vấn đề thứ hai là sản phẩm có nhiều dư lượng kháng sinh, chất cấm bị trả về, thì phải làm thế nào? Đó là mong muốn của ta, song không có nghĩa sản phẩm của ta không an toàn, không sạch, đặc biệt là hàng nông sản xuất khẩu ta làm tốt, đáp ứng yêu cầu thị trường khó tính thế giới.

Chỉ có điều là hàng tiêu thụ trong nước ta chưa kiểm soát tốt, đó là thừa nhận của chúng ta và là điểm mà ta phải tính. Trong điều kiện hội nhập sâu, nếu như các doanh nghiệp và người sản xuất trong nước không chú ý cải thiện chất lượng và an toàn thực phẩm thì sẽ thua ngay trên sân nhà.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đang sửa đổi quy định, tổ chức chuỗi liên kết, phát động đợt cao điểm về an toàn thực phẩm từ 19/10 vừa rồi đến hết Tết Nguyên đán để chúng ta làm sao hành động, tạo sự thay đổi, giải đáp câu hỏi của người tiêu dùng: Tôi muốn mua thực phẩm an toàn ở chỗ nào?

Ngành nông nghiệp nói làm VietGAP tốt và cơ quan Nhà nước lấy mẫu 90% là an toàn nhưng người tiêu dùng vẫn không yên tâm. Nên giờ ta phải chỉ ra người tiêu dùng mua sản phẩm ở đâu là an toàn và cơ quan Nhà nước, các địa phương sẽ chỉ ra cho người tiêu dùng là mua sản phẩm an toàn ở đâu.

Về vấn đề xuất khẩu nông sản bị ép giá, đó là việc đau đầu của cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là cá tra. VASEP và doanh nghiệp đã cam kết nhưng mỗi lần hội chợ DN cạnh tranh lẫn nhau đẩy giá xuống, xong về mua nông dân giá thấp và người nông dân bị thua lỗ.

Vừa rồi Bộ ban hành Nghị định 36 quản lý chặt hơn với cá tra, nhưng khi Nghị định này ban hành thì lập tức DN lên án và kiến nghị Thủ tướng đòi sửa, với nội dung quan trọng nhất là chất lượng, DN đòi hỏi xóa bỏ nên Chính phủ ra Nghị quyết tạm dừng một năm để sửa.

Bộ không phải không làm, đưa ra bảo vệ chat lượng cá tra lập lại kỷ cương nhưng bị phản ứng. Đây là vấn đề không đơn giản khi lợi ích DN và lợi ích quốc gia nhiều khi không đồng nhất.

Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – cho biết: Việt Nam vẫn có những doanh nghiệp đủ sức có thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trong khu vực và quốc tế. Những năm gần đây, chính phủ và địa phương đã có những chính sách cởi mở hơn, cũng nâng dần vị thế doanh nghiệp trong đời sống chính trị và xã hội.

Ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Cẩm An – Thanh Thủy – Theo Trí thức trẻ