Nông nghiệp là ngành duy nhất xuất siêu – có phải là “điều kỳ diệu”?

Bức tranh nông nghiệp không hẳn là màu hồng như khi ta nhìn vào con số xuất siêu của ngành.

Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Nông nghiệp thời TPP, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn trích dẫn nghiên cứu của OECD năm 2015 – cho biết tỷ trọng hỗ trợ nông dân của Nhà nước trong tổng thu của người sản xuất giai đoạn 2011 – 2013 tại một số nước rất cao.

Theo số liệu được công bố, tỷ lệ này ở Na-uy cao nhất, trên 55%. Các quốc gia có tỷ lệ đạt từ mức 45 – 55% bao gồm Ai-len, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Nhật Bản.

Một điều đáng tiếc, tỷ lệ này ở Việt Nam đang thuộc nhóm thấp, chỉ ở mức xung quanh 7%. Có nghĩa là trong khi nông dân các quốc gia phát triển nhận được sự hỗ trợ đáng kể, thì 10 triệu nông dân Việt Nam đang phải ra sức chiến đấu với thị trường.

Thế nhưng, một nghịch lý xảy ra là nông nghiệp hiện đang là ngành duy nhất xuất siêu ở nước ta.

Liên quan đến hội nhập TPP, số liệu cho thấy tỷ lệ xuất khẩu vào các nước TPP/Tổng xuất khẩu chiếm tỷ lệ khá lớn, khoảng 40%. Trong khi đó, tỷ lệ nhập khẩu từ các nước TPP/Tổng nhập khẩu (kể cả nông lâm thủy sản, máy móc) ở mức 25%.

Với nông nghiệp, chúng ta vẫn xuất siêu – ông Tuấn khẳng định.

Vậy, điều gì đã làm nên “điều kỳ diệu” này?

Bức tranh nông nghiệp không hẳn là màu hồng như khi ta nhìn vào con số xuất siêu của ngành.

Theo xếp hạng của FAOSTAT (Thống kê của Tổ chức lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc), xét về số lượng xuất khẩu và giá trị xuất khẩu, một số mặt hàng chúng ta ở top dẫn đầu thế giới, xếp hạng 1 – 5. Nhưng xét về giá bán, Việt Nam từ thứ 5 trở xuống. Lý do giá bán của nông sản nước ta thấp là do cạnh tranh về giá, hoặc thiếu chế biến, thiếu thương hiệu.

Sự suy giảm về nông nghiệp đi kèm với suy giảm lượng đầu tư/ha đất nông nghiệp. Đất chúng ta đã tận dụng gần hết, lao động cũng đã tận dụng gần hết.

Như vậy, mặc dù là ngành duy nhất xuất siêu, nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với việc sụt giảm năng suất trong tương lai gần.

Ông Tuấn cho rằng, chúng ta cần vai trò của doanh nghiệp để khắc phục điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam. Nông dân Việt Nam tiếp thu rất mạnh nhưng không có định hướng thị trường. Doanh nghiệp sẽ hiểu thị trường, có khả năng đưa vốn, công nghệ cần thiết để phối hợp với nông dân chọn đúng sản phẩm và chọn thời điểm đúng để đưa sản phẩm ra thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam – tạo dựng một thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Các doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều rào cản

Trong một cuộc trao đổi với chúng tôi về cơ hội của doanh nghiệp trước thềm TPP, Tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú – ông Lê Văn Quang đã cho biết, ông kỳ vọng việc những rào cản kỹ thuật “song phương” mà các nước đặt ra với tôm Việt Nam sẽ được chuẩn hóa sau TPP, tránh những thiệt thòi mà lâu nay doanh nghiệp này phải gánh chịu. Bên cạnh đó, những quy định, chuẩn hóa về việc nuôi trồng thủy sản trong nước cũng được chuẩn hóa, theo các quốc gia thuộc TPP, giúp doanh nghiệp dễ dàng xoay xở hơn khi xuất khẩu ra nước ngoài.

Các rào cản về thuế chống bán phá giá, tiếc thay, lại không nằm trong khuôn khổ các quy định của hiệp định TPP sắp tới – ông Quang cho biết.

Không chỉ tôm, cá tra – một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam – cũng luôn đối mặt với nguy cơ bị đánh thuế chống bán phá giá bất kỳ lúc nào.

Đan Nguyên

Theo Trí thức trẻ