Hành trình đi tìm rau sạch trong thời khủng hoảng niềm tin

vườn rau sạch

Thực phẩm bẩn tràn lan, rau nhiễm hóa chất độc theo dạng “vô hình” luôn xuất hiện trên thị trường… Chưa bao giờ trách nhiệm của người nội trợ lại trở nên nặng nề đến vậy. Theo lý thông thường, họ chỉ cần đặt tâm huyết để tạo ra những bữa cơm “ngon” trong gia đình. Nhưng giờ đây, bữa cơm “an toàn” bỗng trở thành một thách thức quá lớn và đầy…. ám ảnh với mọi nhà.

Một khảo sát từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) công bố năm 2015 cho biết, tại Hà Nội, 73% người bán rau không phân biệt được rau bẩn và rau an toàn. Tỷ lệ tương tự với người mua là 95%.

Trên thực tế ở Hà Nội, không ít người trồng rau đã có những mô hình khá rõ ràng. Đó là, trồng rau trong ruộng chỉ để bán đồng thời lại có góc vườn nhỏ cung cấp rau ăn riêng trong nhà.

Tại sao người những sản xuất rau vốn là nông dân chất phác lại có sự phân biệt giữa rau ăn và rau bán?

Bài 1: Rau sạch mà người trồng… chẳng dám ăn


95% người tiêu dùng không phân biệt được rau an toàn và rau bẩn trên thị trường.

Chúng tôi sang bãi bồi sông Hồng, quận Long Biên vào một buổi sáng đầu Đông và được những người dân tại đây giới thiệu gia đình anh Nguyễn Văn Minh, một trong số ít những người còn duy trì nghề trồng rau chuyên nghiệp,

Nhờ sự chỉ đường khá nhiệt tình, chúng tôi dễ dàng tìm đến ruộng rau nhà anh Minh. Quang cảnh thật đã mắt, những luống rau xanh mướt, với các loại rau, củ, quả cho vụ Đông (như bắp cải, xu hào… cà chua, khoai tây) hầu như đều có cả.

“Thật thà, chất phác, thân thiện” là những cảm nhận đầu tiên mà chúng tôi có được khi gặp hai vợ chồng anh Minh.

Vừa làm việc, vừa trò chuyện, anh Minh cho biết, gia đình hiện có diện tích đất trồng rau khoảng tới 5.000 m2, với đủ chủng loại rau, quả phù hợp theo thời vụ.

Song khi biết mong muốn của chúng tôi, muốn làm rõ “sự thật” về chất lượng của rau trồng để bán, thì anh Minh lại tỏ ra khá dè dặt. Ngừng tay cuốc đất, anh nheo mắt và hỏi ngược lại, “nhà báo đã trồng rau bao giờ chưa?” Tôi thú thật cũng đã có lần “đua đòi” cùng cô bạn đồng nghiệp bỏ ra 500.000 đồng mua đất, phân bón, giống cây về trồng.

Song, do không có kinh nghiệm nên mặc dù hạt giống nảy mầm rất tốt, nhưng rau cứ lớn nửa chừng tự nhiên chết hoặc sâu không biết từ đâu kéo đến ăn trụi lá và kết quả là chẳng thu hoạch được bữa rau nào. Cuối cùng, kế hoạch trồng ra của tôi cũng… phá sản.

Anh Minh phá lên cười và cho biết, khi người tiêu dùng nghĩ tới ruộng rau thì họ thường lo lắng về việc người nông dân bón “thuốc” cho rau, mà trên thực tế muốn ăn rau thì chắc chắn người làm vườn phải bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật.

Theo anh Minh, “trồng rau an toàn có nghĩa là người nông dân phải mua ‘thuốc’ có nguồn gốc, pha chế và phun tưới cũng như thời gian cách ly tuân thủ đúng quy cánh chỉ dẫn trên bao bì.”

Anh Minh cũng khẳng định về sự an toàn và niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng rau của nhà mình. Bởi, gia đình anh trồng rau đã hơn chục năm nay và thậm chí là làm không đủ rau để bán cho bà con trong khu vực.

Trái lại với anh Minh, chúng tôi đến gia đình chị Phạm Thị Tâm cũng là người trồng rau chuyên nghiệp tại huyện Hoài Đức (Hà Nội). Mặc dù là do người quen thân giới thiệu, nhưng ban đầu gặp gỡ chị Tâm có thái độ rất thận trọng và không muốn tiếp chuyện với chúng tôi.

Kiên trì, lân la hỏi về quy trình trồng rau, chị Tâm hai má đỏ ửng trong tiết đông lạnh buốt, có phần bức xúc: “Mọi người xung quanh rì rầm, rau nhà tôi có bón thuốc thì mới tăng trưởng nhanh, xanh tốt và ra đúng lứa. Tôi nói thật, rau này không bán ở trong làng. Vì mấy hộ gia đình trồng không chuyên, rau của họ cằn nên bà con cho rằng đó là rau sạch. Tôi bỏ mối bán ở bên ngoài, gần hai chục năm nay toàn là khách quen. Thử hỏi rau không đảm bảo thì làm sau mà tồn tại tới tận bây giờ.”

Chị Tâm cho hay, chị luôn tuân thủ đúng quy trình và liều lượng khi bón phân và phun thuốc cho rau. “Thuốc bảo vệ thực vật là những chế phẩm sinh học an toàn. Một gói thuốc được pha với 16 lít nước, phun đủ diện tích một sào rau [một sào: 360 m2] và cách ly từ 7 ngày đến 10 ngày trước khi cắt rau bán.”


Vườn rau trồng riêng phục vụ cho gia đình.

Câu chuyện và sự đảm bảo về chất lượng rau trồng để bán đều được khẳng định, song đập vào mắt, phía bên ruộng rau nhà anh Mạnh là một miếng vườn nhỏ sau lán nghỉ. Những cụm rau cải, bắp cải… sâu ăn lỗ chỗ lá, khiến tôi không khỏi ngạc nhiên.

Khá tế nhị, vợ anh Minh ngần ngại cho hay, góc trồng rau nhỏ này là gia đình trồng để ăn. Công nhận, do rau trồng tự nhiên nên sâu phá “quá trời” và nhìn hình thức của rau thì quả là không thể đem ra chợ bán.

Tương tự khi rời ruộng rau trở về thăm nhà chị Tâm, tôi cũng gặp một vườn rau “xơ xác,” các loại rau ngót, rau cải, rau bí… từng khóm cằn cỗi. Và dĩ nhiên khi được hỏi thì chị Tâm cho biết, đó là những luống rau ăn của gia đình.

Câu chuyện với hai hộ nông dân trồng rau này dừng ở đây, vì chính họ cũng chẳng muốn giải thích lý do tại sao không dùng rau có tưới, bón thuốc.

Những cây cải trong vườn được trồng tự nhiên, không phun thuốc bảo vệ thực vật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thực hư chất lượng sản phẩm rau của chị Tâm và anh Minh (và còn nhiều nhiều hộ nông dân khác), sạch đến đâu và đã được bất kỳ một cơ quan chức năng nào kiểm chứng chưa (cả hai khẳng định là chưa bao giờ) vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ, dù họ chính là nguồn cung cấp chủ yếu mặt hàng này cho người dân Hà Nội. Nhưng có một điều, đến chính họ cũng …. chả thực sự tin tưởng vào những sản được phun thuốc, ngoại trừ loại rau trồng không tưới bón gì dành riêng cho gia đình sử dụng./.

Theo http://www.vietnamplus.vn