DA hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp góp phần giảm ô nhiễm trong chăn nuôi

(TN&MT) – Dự án (DA) Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ vốn được thực hiện từ năm 2013 đến nay không chỉ góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi tại tỉnh Bình Định mà DA còn là giải pháp hiệu quả để giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở nông thôn.

Tăng thu nhập, giảm ô nhiễm

Những năm qua, ngành chăn nuôi tỉnh Bình Định phát triển khá mạnh đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống của bà con nông dân. Tuy vậy, phần lớn chất thải chăn nuôi đều thải trực tiếp ra môi trường đã tác động xấu đến đời sống sản xuất của người dân. Tham gia Dự án LCASP cho ngành chăn nuôi Việt Nam là điều kiện tốt giúp tỉnh Bình Định khắc phục tồn tại nói trên.

Bình Định là một trong những địa phương có kết quả thực hiện DA được BQL LCASP Trung ương đánh giá cao.  BQL DA đã lựa chọn và tổ chức tập huấn về tiêu chuẩn kỹ thuật công trình khí sinh học (CTKSH) cho thợ xây và thợ lắp đặt công trình; tập huấn về quản lý chất thải chăn nuôi an toàn; vận hành và sử dụng CTKSH cho nông dân đăng ký xây dựng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Từ năm 2014 đến nay, DA đã hỗ trợ xây lắp 4.458 CTKSH cho người dân, vượt 885 công trình so với kế hoạch Trung ương giao, trong đó năm 2015 toàn tỉnh đã xây lắp được 2.595 công trình. Hầu hết các CTKSH đưa vào hoạt động đều phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững.

Theo Ban quản lý DA LCASP của tỉnh Bình Định (thuộc Sở NN&PTNT), nhu cầu xây dựng CTKSH của người dân khu vực nông thôn ở tỉnh Bình Định rất lớn, luôn vượt kế hoạch phân bổ số lượng CTKSH hàng năm của Bộ NN&PTNT. Do vậy, Ban quản lý DA và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham gia DA đã ưu tiên chọn những hộ có đàn gia súc lớn, có nhu cầu xây dựng CTKSH thực sự để hỗ trợ xây dựng công trình.

Theo Sở NN&PTNT, tỉnh Bình Định là địa phương có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất nhì khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tuy nhiên, ngành nghề chăn nuôi ở Bình Định vẫn còn phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Điều đáng nói là người chăn nuôi đều xây dựng chuồng trại ở trong khu dân cư, chất thải chăn nuôi đa phần chưa được xử lý đã thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và con người. Nhiều nông hộ đã xây dựng trang trại đầu tư chăn nuôi tập trung, nhưng việc xử lý chất thải chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, công nghệ xử lý, đã và đang là bức xúc của người chăn nuôi.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA
OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Khi chưa có DA Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, chất thải chăn nuôi đa phần chưa được xử lý đã thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường

Từ khi được hỗ trợ từ DA LCASP để xây dựng CTKSH, chất thải, nước thải đều được xử lý thành chất đốt, môi trường sạch hơn. Các hộ chăn nuôi còn tiết kiệm được khoảng tiền mua gas và các chất đốt khác.

Bên cạnh đó, phong trào chăn nuôi phát triển mạnh nên chất thải chăn nuôi rất lớn. Thực hiện DA LCASP là điều kiện thuận lợi để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn. Hầu hết các CTKSH đưa vào hoạt động đều phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững. Các CTKSH còn tạo nguồn năng lượng sạch, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn.

Tiếp tục hỗ trợ

DA LCASP do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2013 đến năm 2018, tại các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Ðịnh, Hà Tĩnh, Bình Ðịnh, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng với 4 hợp phần: Quản lý chất thải chăn nuôi; tín dụng cho các chuỗi giá trị KSH; chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp; quản lý DA. Tổng vốn thực hiện DA là 84 triệu USD, trong đó vốn vay ADB 74 triệu USD.

Riêng tỉnh Bình Định, tổng vốn thực hiện DA trên 1,915 triệu USD. Trong đó, vốn vay ADB 1,742 triệu USD, vốn đối ứng của tỉnh 173.500 USD. Mục tiêu của DA là xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường; tạo nguồn năng lượng sạch; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

Theo Ban quản lý DA LCASP tỉnh Bình Định, giai đoạn 2013-2018, Bộ NN&PTNT phân bổ cho 10 tỉnh tham gia DA, mỗi tỉnh thực hiện 3.600 CTKSH quy mô nhỏ nhưng chỉ trong 2 năm 2014 và 2015, tỉnh Bình Định đã xây dựng được 4.175 CTKSH, vượt kế hoạch. 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh xây dựng thêm 1.184 CTKSH nữa.

images1659351_anh_2
Thông qua việc sử dụng công nghệ KSH do DA Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp hỗ trợ đã xử lý chất thải chăn nuôi, cung cấp năng lượng sạch và rẻ tiền cho bà con nông dân

Được biết, từ nay đến cuối năm 2016, Ban quản lý DA sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi; lựa chọn các hộ dân tham gia DA và tổ chức tập huấn phương pháp vận hành CTKSH, quản lý chất thải chăn nuôi. DA sẽ hỗ trợ cho khoảng 916 hộ gia đình đã đăng ký xây dựng CTKSH quy mô nhỏ, đảm bảo năm 2016 hoàn thành 2.100 công trình. Ban quản lý DA còn lồng ghép các hoạt động của DA với các chương trình phát triển chăn nuôi của tỉnh Bình Định, gắn với việc xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi.

Đồng thời, Ban quản lý DA cũng sẽ chỉ đạo lực lượng kỹ thuật viên của DA thực hiện tốt công tác tư vấn hộ chăn nuôi lựa chọn công nghệ KSH phù hợp với địa hình, quy mô chăn nuôi; giám sát, nghiệm thu CTKSH đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của DA; kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu về môi trường và chất lượng CTKSH đã xây dựng xong và đang vận hành.

Thông qua việc sử dụng công nghệ KSH do DA LCASP  hỗ trợ  đã xử lý chất thải chăn nuôi, cung cấp năng lượng sạch và rẻ tiền cho bà con nông dân, dự án đã góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, tạo thêm công ăn việc làm ở khu vực nông thôn và giảm thiểu sử dụng nguyên liệu hóa thạch, giảm hiện tượng phá rừng.