Trong những năm qua, chăn nuôi có sự tăng trưởng nhanh cả về quy mô và giá trị, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Bên cạnh lợi ích kinh tế mang lại, thì chăn nuôi cũng đang nảy sinh rất nhiều vấn đề về chất lượng môi trường, đe dọa sức khỏe của cộng đồng dân cư địa phương và ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái tự nhiên.
1. Tác động của chất thải chăn nuôi đến môi trường và vấn đề biến đổi khí hậu
Theo số liệu thống kê, đàn lợn cả nước hiện ước đạt 26,5 triệu con, trâu bò đạt 7,7 triệu con và gia cầm trên 304,5 triệu con. Với tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi như trên, theo tính toán dựa trên cơ sở khoa học sinh lý vật nuôi và số liệu thống kê có thể thấy lượng phát thải chất thải rắn của chăn nuôi cũng được tăng tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng quy mô, ước lượng với mức thải trung bình 1,5 kg phân lợn/con/ngày; 15 kg phân trâu, bò/con/ngày và 0,2 kg phân gia cầm/con/ngày thì hàng năm riêng lượng phân phát thải trung bình đã hơn 85 triệu tấn mỗi năm, vài chục tỷ khối chất thải lỏng, vài trăm triệu tấn chất thải khí. Tuy nhiên, việc quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi lại chưa được quan tâm đúng mức. Phần lớn các trang trại, gia trại nằm xem kẽ trong các khu dân cư; có quỹ đất nhỏ hẹp không đủ diện tích để xây dựng các công trình bảo vệ môi trường đảm bảo xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép; không đảm bảo khoảng cách vệ sinh đến khu dân cư đã gây ô nhiễm môi trường nhất là nguồn nước và môi trường không khí, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của các chủ trang trại, gia trại chưa cao. Hầu hết người chăn nuôi chưa có biện pháp xử lý chất thải lỏng; vứt xác gia cầm, gia súc bừa bãi và hệ thống thoát nước đơn giản làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vẫn chưa được khắc phục triệt để và có chiều hướng gia tăng. Nhiều năm qua, chất thải trong chăn nuôi chủ yếu được xử lý bằng hệ thống biogas. Song biện pháp này chỉ giải quyết được vấn đề thu hồi khí sinh học để tận thu làm nhiên liệu, còn bộc lộ những hạn chế như mức độ giảm thiểu ô nhiễm không đáng kể, không giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường đất, nước và mùi hôi thối. Bên cạnh đó, hầu hết các hệ thống biogas hiện nay đều được các trang trại xây dựng nhỏ hơn mức độ cần thiết, nên hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm lại càng hạn chế, nhiều khi không có tác dụng, đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Mặt khác, quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức ở tất cả các cấp, các ngành của địa phương. Trong các quy hoạch phát triển chăn nuôi hầu như chỉ quan tâm, chú trọng đến các chỉ tiêu, giải pháp phát triển kinh tế, chưa có các quy định, giải pháp bảo vệ môi trường cụ thể, chưa có quy hoạch và tiêu chí quy hoạch vùng chăn nuôi đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. Ngoài ra, lực lượng cán bộ chuyên quản lý về môi trường còn mỏng, thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý.
Một vấn đề rất được quan tâm hiện nay là sự liên quan của các hoạt động chăn nuôi đến phát thải khí nhà kính trong vấn đề biến đổi khí hậu. Chăn nuôi hiện đóng góp khoảng 18% hiệu ứng nóng lên của trái đất do thải ra các khí gây hiệu ứng nhà kính, trong đó có 9% tổng số khí CO2 sinh ra, 37% khí mêtan (CH4) và 65% oxit nitơ (N2O). Những chất thải khí này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Theo dự báo nhu cầu về các sản phẩm chăn nuôi của thế giới dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong nửa đầu của thế kỷ này. Nhưng cũng đồng thời trong thời gian trên chúng ta sẽ phải chứng kiến nhiều sự biến đổi môi trường và khí hậu theo chiều hướng không mong đợi và môi trường sống ngày càng bị đe doạ bởi chính các hoạt động chăn nuôi.
Trong một tương lai không xa, Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu sự tác động rõ rệt nhất của biến đổi khí hậu mà cụ thể là sự dâng lên của mực nước biển, xâm thực và nhiễm mặn đất nông nghiệp… Cho đến nay, các chất thải vật nuôi ở nước ta vẫn chưa được xử lý nhiều, hoặc có xử lý nhưng công nghệ xử lý chưa triệt để. Chúng ta chưa thu hút được sự đầu tư ở nhiều thành phần kinh tế vào lĩnh vực bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Nhận thức của người chăn nuôi về bảo vệ môi trường đặc biệt là phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi còn hạn chế, sự quản lý nhà nước về môi trường chưa đáp ứng được các bất cập hiện nay. Do vậy, những biện pháp xử lý môi trường như thế nào cho hiệu quả, làm thế nào nâng cao nhận thức cho cộng đồng đang đòi hỏi các nhà quản lý, nhà khoa học, các thành phần kinh tế và người chăn nuôi cần có những tọa đàm và đưa ra hướng xử lý.
2. Hoạt động khuyến nông trong việc xử lý chất thải chăn nuôi
Cùng với sự vào cuộc của các lĩnh vực khác, hoạt động khuyến nông cũng đã có những đóng góp không nhỏ trong xây dựng mô hình, tuyên truyền nhân rộng các biện pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi, áp dụng những công nghệ đã được nghiên cứu có hiệu quả để chuyển giao vào thực tế sản xuất.
2.1.Ứng dụng và chuyển giao công nghệ khí sinh học (Biogas)
Khí sinh học (KSH) đã được biết đến ở nước ta từ những năm 1960, trải qua trên 50 năm phát triển ở Việt Nam, khí sinh học ngày càng được phát triển rộng rãi từ quy mô sản xuất nhỏ, vài mét khối đã mở rộng sang quy mô sản xuất lớn vài nghìn đến vài chục nghìn mét khối, từ lĩnh vực chăn nuôi sang lĩnh vực công nghiệp, khu vực nông thôn sang khu vực thành thị. Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc quy mô nông hộ, khí sinh học đã phát triển đến hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện nay, đã có hàng chục nghìn công trình khí sinh học đang hoạt động với nhiều kiểu thiết bị khí sinh học khác nhau do nhiều tổ chức thiết kế và phổ biến. Quá trình sản xuất khí sinh học là tiến hành gây lên men sinh học các chất hữu cơ như: các chất thải của nông nghiệp, phân gia súc, gia cầm và các chất thải công nghiệp phân hủy trong môi trường yếm khí để sinh ra khí mêtan (CH4), cacbon điôxít (CO2) và khí sulfua hydro (H2S). Ngoài việc cung cấp nhiên liệu đốt, việc ứng dụng công nghệ hầm ủ biogas sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi đất, nước, không khí giảm thiểu các chất khí gây hiệu ứng nhà kính phát sinh từ quá trình sản xuất, chăn nuôi hạn chế dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Hiện nay, các chương trình dự án khuyến nông Trung ương chưa có mô hình hỗ trợ cụ thể đối với ứng dụng công nghệ khí sinh học (Biogas). Tuy nhiên, trong các hoạt động triển khai của một số dự án đã yêu cầu các hộ tham gia phải áp dụng Biogas như một tiêu chí ưu tiên hàng đầu, như các dự án:
– Chăn nuôi lợn ATSH và áp dụng VietGAHP (thời gian triển khai 2011 – 2013).
– Phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc, áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo (thời gian triển khai 2011 – 2013).
– Phát triển kỹ thuật chăn nuôi và vỗ béo gia súc lớn (thời gian triển khai 2011 – 2013).
– Phòng trừ dịch bệnh tổng hợp cho vật nuôi (thời gian triển khai 2011 – 2013).
– Xây dựng mô hình phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm quy mô xã (thời gian triển khai 2012 – 2014)
– TTKNQG đã triển khai dự án“Tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông Việt Nam trong chiến lược giảm thiểu khí phát thải: Giảm thiểu khí phát thải nhà kính trong nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tài trợ.
Các hoạt động khuyến nông liên quan đến ứng dụng công nghệ khí sinh học tập trung chủ yếu qua hệ thống khuyến nông địa phương. Thông qua các hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, xây dựng mô hình, hệ thống khuyến nông từ thôn bản tới tỉnh, thành phố đã thực sự giúp hộ chăn nuôi cả nước áp dụng có hiệu quả và chuyển giao thành công chương trình khí sinh học trong sản xuất. Hệ thống khuyến nông của các tỉnh đã tham gia tích cực trong việc ứng dụng công nghệ khi sinh học (Biogas) tại địa phương, một số hoạt động đã được đăng trên Website: http://www.khuyennongvn.gov.vn, cổng thông tin của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để tuyên truyền, phổ biến hoạt động ứng dụng công nghệ khí sinh học:
– Bắc Ninh: Hiệu quả từ việc sử dụng phụ phẩm khí sinh học làm phân bón cà rốt an toàn.
– Yên Bái: Đánh giá kết quả thực hiện chương trình khí sinh học sau 5 năm thực hiện Dự án “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam” do do Chính phủ Hà Lan tài trợ.
– Lạng Sơn: Lợi ích và giải pháp phát triển hầm Biogas trong chăn nuôi.
– Ninh Bình: Phong trào xây bể Biogas ở Ninh Bình.
2.2. Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi
Trong những năm gần đây, phong trào sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi đã được thử nghiệm và áp dụng theo các quy mô khác nhau ở nhiều địa phương. Hiệu quả từ việc áp dụng đệm lót sinh học là rất đáng ghi nhận, biện pháp này đã góp phần giảm thiểu đáng kể sự ô nhiễm môi trường về mùi do chất thải vật nuôi gây ra, tại một số nơi còn cho giá trị cao về hiệu quả kinh tế và năng suất chăn nuôi. Ngày 09/10/2013, Cục Chăn nuôi, Bộ NN và PTNT đã chính thức công nhận tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới đối với “Chế phẩm sinh học BALASA N01 để làm đệm lót sinh học nuôi lợn và gà” do hai tác giả TS: Nguyễn Khắc Tuấn và TS. Nguyễn Thị Tuyết Lê nghiên cứu. Đây cũng chính là sự khẳng định có thể áp dụng đệm lót sinh học và điển hình là BALASA N01 trong chăn nuôi gia cầm, lợn.
Về nguyên lý cơ bản, chuồng nuôi có độn lót chuồng lên men là một hệ thống sinh thái cân bằng được xác định bởi sự chiếm ưu thế tuyệt đối của các vi sinh vật có lợi so với các vi khuẩn có hại và gây bệnh; Các vi sinh vật có lợi lên men tiêu hủy phân nước tiểu, làm giảm mùi hôi , giảm ruồi muỗi, giảm vi sinh vật gây bệnh… nên con vât nuôi sinh trưởng tốt, ít bị bệnh…Ngược lại nguồn phân và nước tiểu do con vật thải ra cũng giúp cho vi sinh vật duy trì được số lượng và tồn tại lâu dài trong đệm lót.
2.3. Công nghệ ủ phân sinh học trong chăn nuôi
Do việc lạm dụng quá mức các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp và việc sử dụng các loại phân hữu cơ truyền thống ngày càng ít, đã làm cho nhiều diện tích đất trồng trọt bị suy giảm độ phì nhiêu, mất cân đối dinh dưỡng trong đất, năng suất cây trồng giảm và tăng các chi phí sản xuất… Trong khi hầu hết các gia đình ở nông thôn đều có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và có lượng phế phụ phẩm nông nghiệp rất lớn, nhưng chưa khai thác hoặc sử dụng hiệu quả để làm phân bón cho cây trồng, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường như việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch lúa, phát mầm bệnh… Phân hữu cơ vi sinh là loại phân bón mà các hộ nông dân có thể tự làm từ các loại phế thải như: Chất thải người, gia súc, gia cầm; rơm rạ, thân cây ngô, đậu, lạc, mía; cây phân xanh… được ủ với chế phẩm vi sinh dùng để bón vào đất làm tăng độ phì nhiêu, giảm ô nhiễm môi trường. Hay nói cách khác phân hữu cơ vi sinh là sản phẩm của quá trình phân hủy các chất hữu cơ. Các vi sinh vật sử dụng chất hữu cơ để phát triển sinh khối và giải phóng các chất hữu cơ dễ phân hủy…
Những lợi ích từ ủ phân sinh học giúp tận dụng được các phế phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi để tạo ra phân bón tốt cho cây trồng, làm giảm chi phí đầu tư trong trồng trọt như chi phí phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; Tiêu diệt các mầm bệnh có trong phân chuồng, nhất là khi gia súc bị bệnh; Phân hủy các hợp chất hữu cơ, khó tiêu thành dễ tiêu, khoáng chất, nguyên tố vi lượng cung cấp cho cây trồng sử dụng dễ dàng hơn; Làm tăng độ phì nhiêu của đất và có tác dụng cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái. Đặc biệt là đối với cây trồng cạn phân hữu cơ vi sinh rất thích hợp vì làm tăng độ tơi xốp của đất, giữ độ ẩm cho đất, hạn chế được rửa trôi đất; Sử dụng an toàn và vệ sinh cho cây trồng, vật nuôi và con người, hạn chế các chất độc hại tồn dư trong cây trồng như NO3, Hạn chế sự phát tán của các vi sinh vật mang mầm bệnh trên rau màu; Giảm sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe con người; Tăng năng suất và chất lượng cho cây trồng, rút ngắn được thời gian phân hủy và thuận lợi hơn trong việc vận chuyển so với các loại phân hữu cơ không tiến hành ủ.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
The point of view of your article has taught me a lot, and I already know how to improve the paper on gate.oi, thank you. https://www.gate.io/pt/signup/XwNAU
I may need your help. I’ve been doing research on gate io recently, and I’ve tried a lot of different things. Later, I read your article, and I think your way of writing has given me some innovative ideas, thank you very much.